Từ Hỏa Công Đến Súng Thần Công
Biên phòng - Cha ông ta đã biết dùng sức mạnh của lửa để tạo ra các loại vũ khí lợi hại mà trong Thiên hỏa công của sách “Hổ trướng khu cơ” còn chép lại.
Du khách đến thăm “Cửu vị thần công” ở Hoàng thành Huế. Ảnh: Trịnh SinhXem ra, nếu không có lửa thì loài người mãi mãi chỉ là loài ăn thịt sống như thú hoang. Biết sử dụng lửa để nấu thức ăn chín là một phát minh vĩ đại của con người, lại càng vĩ đại hơn là ngay từ thời nguyên thủy, co n người đã biết dùng đá, dùng bùi nhùi tước ra từ những sợi dây khô để cọ xát vào nhau tạo ra lửa.
Lửa là một thứ vũ khí lợi hại. Cho đến khi phát minh ra thuốc nổ thì lửa đã thực sự trở thành một phát minh lớn nhất trong quân sự. Nếu không có thuốc nổ, chắc chắn sẽ không có pháo “thăng thiên”, tên lửa và cả ngành hàng không vũ trụ như hiện nay.
Tìm trong kho tàng tri thức quân sự của cha ông ta, cách đây khoảng 400 năm, chúng ta mới thấy các loại vũ khí tạo ra lửa để chiến đấu vẫn còn thô sơ nhưng không kém phần lợi hại. Trong “Thiên hỏa công” của sách “Hổ trướng khu cơ” có dạy những cách đánh địch bằng lửa ở vào giai đoạn trong nước có những cuộc nội chiến “đàng ngoài, đàng trong” bên ngoài thì nguy cơ phương Bắc vẫn rình rập xâm lăng của cuối triều Minh, đầu triều Thanh.
Cách đánh đơn giản nhất là “Phép diều lửa đốt giặc”: Muốn dùng hỏa công hiệu quả thì phải lợi dụng lúc có gió. Nếu doanh trại giặc ở xa và canh gác nghiêm ngặt thì ta nên làm diều giấy. Diều được làm bằng nan tre ngâm nước hơn một tháng rồi phơi khô, lấy giấy mỏng tẩm dầu dán vào. Lấy 1 cân lưu hoàng, 1 lạng diêm tiêu nấu cho loãng ra rồi tẩm vào vải mỏng, bồi ngoài cốt tre làm da diều và tẩm vào 1 cân bấc đèn làm đuôi diều. Xong lấy dây gai buộc diều và làm dây diều. Cạnh dây diều là dây giấy có ngòi thuốc nổ. Xem chiều gió và thả diều đến gần trại giặc thì lấy lửa đốt vào ngòi. Chiếc diều lửa cháy đứt dây rơi xuống đốt cháy doanh trại giặc.
Phép làm hỏa cầu (quả nổ). Khi hai bên bày thế trận, ta đem súng “phi thiên” mà bắn, quả nổ tung ra, rơi xuống làm mảnh sắt tung tóe. Dẫu cho gươm giáo ngợp trời, cờ xí lấp đất cũng chỉ một lát là tan nát hết. Cách làm, cho thợ sắt đúc một bình gang tròn ước 1 thước, gọi là quả mẹ; sau đó đúc 3 quả con, mỗi quả tròn 2 tấc, đều bằng gang mỏng.
Bên trong các quả đều nạp đầy thuốc súng, dùi thêm một lỗ nhỏ để luồn dây ngòi vào. Dây ngòi quấn vào toàn thân quả nổ, dây đồng nhỏ buộc bên ngoài. Đem quả nổ nạp vào đại bác phi thiên mà bắn thì quả nào cũng nổ. Về mùa đông thì nên dùng mỡ rái cá bôi bên ngoài quả mẹ, quả con thì càng tốt. Thuốc làm quả nổ gồm diêm tiêu, lưu hoàng, thạch tín, hồ tiêu, bạch chu sa, than gỗ dâu... pha trộn theo tỷ lệ nhất định.
Ngoài cách chế quả nổ còn có phép chế quả mù (còn gọi là yên cầu). Nếu ta nạp quả mù vào súng phi thiên bắn vào dinh giặc, lửa nổ khói độc phát ra tiêu diệt giặc. Cách chế tạo cũng tương tự như quả nổ, nhưng bài thuốc nạp có khác. Ngoài các chất nổ còn có các chất tạo độc và tạo khói như: Phân chó sói, lá thiên ngải, phiên tiêu, tiên thiên tử, phấn thiên hoa, thuốc lào, thạch tín, ban miêu...
Phép chế hỏa đồng: Lấy ống tre một đầu để mắt, dài 6 tấc, dày 3 phân. Tra thuốc nổ vào dưới đáy, lấy lưỡi đồng nạp vào, làm dây ngòi lửa, lấy giấy bồi ở ngoài ống, chằng dây mây kỹ bên ngoài. Bài thuốc nạp cũng tương tự như quả nổ. Ngoài ra, người ta còn thêm nhựa thông, thiết hoa, than đen, nhọ nồi, khói thông...
Phép làm hỏa tiễn (tên lửa): Lấy ống tre dài 6 tấc 3 phân, nhồi thuốc súng lẫn với tên sắt. Lấy ngòi thuốc xuyên vào đầu ống. Dùng lửa đốt đầu ngòi. Khi lên cao, lửa và tên sắt bắn tung ra. Thuốc nổ nhồi vào hỏa tiễn cũng chỉ là diêm tiêu, lưu hoàng, than đen.
Phép chôn hỏa thương dưới đất: Lấy tre núi gồm 100-200 cái. Mỗi cái dài hơn 5 thước, miệng to 2 tấc. Ba đốt trên đục thủng lỗ to, nhồi thuốc nổ, lấy dây mây cuốn bên ngoài, có dây ngòi. Sau đó, đào rãnh đặt các ống hỏa thương cách nhau hơn 3 thước. Đặt đá lửa và dao sắt làm máy giống như cách đặt địa lôi, nối ngòi dẫn lửa vào các hỏa thương. Xong lấy cát và cỏ phủ lên trận địa. Khi đánh nhau, ta đến khiêu chiến ở trại giặc, giả thua và d& #7909; giặc đến trận địa hỏa thương. Khi giặc chạy xéo vào máy đá thì đá lửa và dao sắt cọ vào nhau gây lửa làm các hỏa khí nổ tung. Giặc dẫu có đông cũng chết cháy trong đám lửa mà thôi. Công thức pha chế thuốc nổ cũng vẫn là diêm tiêu, lưu hoàng và than xoan là chính.
Phép làm hỏa tiễn chứa thuốc độc: Cách chế tạo cũng gần giống hỏa thương, nhưng bên trong nhồi thuốc súng và các bánh thuốc độc. Chôn dưới đất, phủ cỏ và nan tre lên trên rồi dụ giặc vào trận địa ta đã bố trí sẵn để tiêu diệt.
Phép làm súng gỗ: Bên cạnh đúc súng đồng, súng gang còn chế tạo ra loại súng gỗ. Cho thợ mộc lấy gỗ tốt làm thành hình súng, thành súng dày, lòng rộng. Phần sau ống súng ước độ 1 thước thì xẻ đôi đoạn dưới thân súng thành hai mảnh. Lấy vôi, phân voi, mật, đất thô hòa lẫn rồi bôi vào lòng súng cho trơn. Sau đó ghép hai mảnh lại thành khẩu súng. Lấy vôi, nhựa trám, nhựa thông, mật hòa vào nhau để gắn hai mảnh ghép. Lấy dây sắt cuộn đánh đai để bó ch 863;t thân súng. Đục một lỗ để cho ngòi thuốc vào. Nhồi đạn và thuốc súng để bắn. Súng gỗ không khác gì súng đồng, súng gang.
Phép đốt đuốc trước gió: Phàm đánh trận ban đêm phải có đèn đuốc. Gặp lúc trời mưa to, sợ gió mưa làm tắt đuốc, nên người xưa đã chế ra đuốc để dùng trong mọi thời tiết. Quan trọng là bài thuốc pha trộn gồm: Sơn khô, lưu hoàng, nhựa trám, sáp ong, diêm tiêu, bột đậu đen. Các chất trên tán nhỏ, đem nhựa trám nấu chảy rồi cho các chất trên vào. Lấy vải nặn thành thoi dài để vào trong ống tre, đốt ở trước gió cũng không tắt.
Phép làm đèn phi thiên: Lấy giấy trắng làm lồng đèn hình như cái gầu múc nước cao 2 thước, trên nhọn mà kín, dưới tròn mà rỗng, bề ngang hơn 1 thước, dưới đáy có vòng tròn bằng tre. Lấy bấc đèn tẩm dầu buộc vào vòng tròn tre có cuốn dây sắt mà đốt thì lửa đèn sinh ra gió bay lên trời theo chiều gió mà bay, sáng khắp bốn bề.
Qua cách chế tạo vũ khí tạo lửa, tạo khói và tạo nổ như trên, chúng ta thấy người Việt cách đây khoảng 400 năm đã vận dụng nhiều kiến thức dân gian để làm vũ khí đánh giặc. Đó là cách làm hỏa tiễn (tên lửa) giống như kiến thức làm pháo thăng thiên của làng pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) trước đây. Cách làm “diều lửa đốt giặc” cũng là sự sáng tạo cách chơi diều phổ biến ở các làng quê Việt Nam, đến nay vẫn còn tồn tại. Cách làm đèn phi thiên là vận dụng sáng tạo cách làm đèn lồng thả lên trời trong các ngày hội lớn của nước ta. Ngày nay, một số vùng ở Việt Nam và thế giới còn có ngày hội thả đèn lồng cũng làm như vậy.
Bên cạnh cách chế tạo hỏa khí, chúng ta thấy được người Việt còn biết sử dụng các nguyên vật liệu bản địa dễ kiếm để làm chất nổ như diêm tiêu (tro bếp trộn lẫn phân dơi), nhựa trám, hồ tiêu, than gỗ dâu, phân chó sói, thuốc lào... Qua thời gian, một số hỏa khí đã bị thay thế dần bằng súng đạn. Mặc dù súng thần công chắc chắn đã được sử dụng trước thời gian mà tác phẩm “Hổ trướng khu cơ” ra đời. Đương nhiên, việc các khẩu súng & #273;ại bác bằng đồng và gang mua của phương Tây giá đắt quá, vì thế mà mới có chuyện làm... súng gỗ.
Cũng cần phải nói rằng, người Việt đầu tiên chế tạo súng thần công chính là Tả Tướng Hồ Nguyên Trừng trong thời nhà Hồ. Cho đến nay, hình mẫu súng thần công của ông ra sao vẫn chưa ai được nhìn thấy. Duy tài chế thần cơ của Hồ Nguyên Trừng thì còn được sử sách nhà Minh ca ngợi và vẫn dùng ông trong việc chế súng cho triều đình.
Tìm trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, chúng tôi thấy đoạn nói về người Việt đã dùng súng vào thời cuối Trần, đầu Hồ: Năm Quang Thái thứ ba, tức năm 1390, đô tướng Trần Khát Chân ra lệnh cho các cây súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết. Súng nói ở đây là “hỏa súng”, có nòng kim loại và có nhồi thuốc cháy. Đến thời Lê Thánh Tông, vào năm Hồng Đức thứ 23 (1492), vua sai đặt các kho vũ khí và thu 7889;c súng.
Vậy là, ít ra vào cuối thế kỷ XIV, người Việt đã biết chế tạo súng và thuốc súng thành thạo. Tuy nhiên, giáo trình binh pháp vào thời của Đào Duy Từ sau đó vẫn chỉ dẫn cách sử dụng hỏa công một cách còn “du kích”, phải chăng cách đánh du kích đã có từ thời này, vẫn còn rất có hiệu quả?
Đến thời các vua Nguyễn, nhiều thành trì đã được trang bị súng thần công như Kinh đô Huế hay Bắc Thành (nay là Hà Nội). Ngày nay, du khách vẫn còn thấy 9 khẩu thần công (Cửu vị thần công) bày ngay ở cổng Hoàng thành Huế, được đúc năm 1803, mỗi khẩu nặng trên 10 tấn.
Trong lịch sử cận hiện đại, quân dân ta phát huy truyền thống của cha ông về “hỏa công chiến”, ít ra về mặt chiến tranh du kích như: Những trái mìn tự tạo, những bom ba càng tự chế, những tên lửa SAM II cải tiến để bắn rơi máy bay B52 Mỹ. Xem ra sức sáng tạo của người Việt thật là vô tận.
PGS.TS