Đề Xuất 5/2024 # Cách Làm Chả Cốm Ngon & Chuẩn Nhất 2024 # Top 2 Yêu Thích

“ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội

Mùa hoa sữa về, thơm từng ngọn gió

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ

Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua… “

Tầm độ tháng Tám, trời Hà Nội vào thu, lẫn trong hương hoa sữa len lỏi khắp phố phường ta còn nghe được cả mùi cốm ngan ngát thơm thơm. Những hạt cốm xanh tươi mới theo quang gánh của mấy cô hàng rong tỏa đi từng con hẻm, ướp hương cho Hà Thành.

Người Hà Nội khéo ăn là thế thì thực đơn mùa thu sao thiếu được món cốm thơm lành. Và nếu đã từng ăn bún đậu mắm tôm ở Hà Nội, hẳn bạn sẽ không hề xa lạ với món chả cốm ăn kèm.

Hôm trước, bếp Thật Là Ngon đã hướng dẫn bạn làm bún đậu mắm tôm đãi cả nhà. Vậy nên hôm nay tụi mình cùng nhau thử làm thêm chả cốm cho đủ bộ nha.

Nào, xắn tay áo lên thôi!!!

Cách Làm Chả Cốm

Cách làm chả cốm chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị

Để làm chả cốm ngon thì cốm là thành phần rất quan trọng. Ngon nhất là chọn được cốm bánh tẻ, loại này được làm từ nếp vừa chín tới, không quá non cũng không quá già. Cốm làm từ nếp quá non sẽ hay bị nát, ngược lại cốm nếp già thì lại bị cứng, khi ăn mình sẽ thấy bị xác, không ngon.

Cốm mua về bạn rửa sạch bụi bẩn, để ráo.

Đối với cốm khô thì bạn có thể làm mềm bằng 2 cách. Hoặc là bạn ngâm nước khoảng 20 phút cho cốm nở rồi hẵng rửa. Nếu không thì bạn rửa qua cốm cho sạch bụi bẩn rồi nhào với lòng đỏ trứng là được, cách này vừa giúp cốm mềm vừa tăng độ dẻo và kết dính cho chả cốm nữa.

Tiếp đến, bạn trộn giò sống với thịt xay cùng các gia vị đã chuẩn bị, cuối cùng cho cốm vào nhào đều. Với món chả cốm, để giữ được mùi cốm tươi thì chúng mình không dùng những gia vị dậy mùi như hành, tỏi nha.

Bước 2: Cách Làm Chả Cốm – Hấp chả

Sau khi nhào xong chả cốm thì bạn nặn thành những miếng nhỏ vừa ăn rồi mang đi hấp nha.

Sau khi hấp chín thì bạn lấy chả ra để nguội một lúc cho ráo hơi nước hẵng chiên nha. À, nếu chưa chắc lắm rằng chả chín chưa thì bạn dùng que tăm chọc vào tâm miếng chả, nếu không bị dính là chả chín đều rồi.

Bước 3: Cách Làm Chả Cốm – Chiên chả

Sau khi chả cốm đã khô ráo, bạn đổ dầu vào chảo để làm nóng dầu. Khi dầu đủ nóng, bạn cho chả vào chiên lần lượt lượt cả 2 mặt cho vàng đều rồi vớt ra để ráo dầu. Bạn chú ý không nên chiên quá kĩ, làm chả cốm bị khô hay cháy.

Với những phương thức nấu nướng sử dụng nhiệt cao như chiên xào thì để bảo toàn đầy đủ lượng dưỡng chất, bạn nên chọn những loại dầu ăn có điểm sôi cao. Dầu bơ, dầu dừa, dầu hạt cải hoặc dầu phộng là những gợi ý không tồi.

Những loại dầu này không những rất tốt cho tim mạch, mà cũng rất dễ tìm, giá cả khá mềm, bạn có thể cân nhắc để có lựa chọn phù hợp ha. Tuy nhiên dầu dừa có mùi thơm khá đặc trưng, để giữ được hương thơm của cốm, bạn nên cân nhắc khi dùng.

Bước 4: Cách Làm Chả Cốm – Hoàn thành

Món chả cốm đạt chuẩn vị nguyên bản thì phải giòn vỏ mềm ruột, đượm đà gia vị, dậy mùi cốm dẻo thơm. Nếu những gì chúng mình vừa miêu tả là thành phẩm của bạn thì còn chờ gì mà chưa thết đãi dạ dày ngay thôi.

Chả cốm bạn chỉ cần ăn không với ít rau sống hoặc đu đủ ngâm là đã tuyệt lắm rồi. Và chả cốm cũng là món ăn kèm tuyệt vời cho món bún đậu mắm tôm của chúng mình đấy.

Vài lưu ý nhỏ khi chọn và bảo quản nguyên liệu

Cốm

Nói đến cốm thì không ai không biết cốm Làng Vòng nức tiếng đó đây. Ngày xưa cốm Làng Vòng thường được làm từ nếp cái hoa vàng, phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ mới ra được một mẻ, vì thế cốm ở đây không chỉ ngon còn có mùi thơm rất đặc trưng.

Tuy nhiên về sau này, nhằm nâng cao năng suất phục vụ thị trường thì người ta hay dùng các loại nếp cao sản để làm cốm. Vì thế muốn lựa được cốm ngon cũng không dễ.

Mẻ cốm ngon thì hạt cốm phải chắc, mỏng, dẻo nhưng không bị cứng hoặc bở, nát. Khi bạn cắn hoặc dùng tay bấm nhẹ thì sẽ cảm nhận được độ dai dai, vị bùi bùi và mùi thơm mát dịu.

Đặc biệt, bạn chỉ nên mua cốm vào sáng sớm thôi nha. Cốm bán vào buổi sáng thường sẽ là cốm mới, rất thơm, đảm bảo được độ tươi và vị ngon.

Nếu lỡ mua nhiều một tí thì trước khi cho vào ngăn mát tủ lạnh, bạn dùng ít lá sen hoặc giấy báo, bọc kín cốm lại rồi cho vào bao ni lông/ hộp kín để cốm không bị khô. Tuy nhiên, cốm đã qua trữ lạnh khi ăn cảm giác sẽ hơi cứng và khô hơn so với cốm tươi, mùi thơm cũng phai đi nhiều. Cốm để ngăn mát thì bạn có thể dùng trong vòng 2-3 ngày.

Thịt

Giò sống

Giò sống tươi ngon là yếu tố quan trọng trong cách làm chả cốm ngon. Nếu không có thời gian thì bạn có thể mua giò sống làm sẵn ở chợ. Tuy nhiên, để có thể chủ động tỉ lệ thịt nạc, thịt mỡ theo khẩu vị thì bạn có thể mua thịt sống rồi nhờ người ta xay. Nếu nhà bạn có máy xay thì xay ở nhà sẽ yên tâm hơn về khoảng vệ sinh nha.

Thường muốn giò sống ngon và dẻo thì thịt xay phải vừa có nạc vừa có mỡ. Thế nên nếu được, bạn chọn thịt nạc vai xay cùng thịt ba chỉ theo tỉ lệ 2:1 là vừa ngon nhất. Tuy nhiên, khẩu vị mỗi nhà mỗi khác nên bạn tùy vào sở thích mà điều chỉnh tỉ lệ nạc mỡ cho phù hợp là được.

Để ướp 500 g giò sống, bạn chuẩn bị cho mình 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh dầu ăn, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê bột nêm. Tiếp đến là 1 thìa cà phê bột nở và 1 thìa canh bột khoai tây hoặc bột bắp. Sau cùng là 6 thìa nước lạnh. Nếu thích bạn có thể cho vào khoảng ½ thìa cà phê cho thơm, còn bạn nào không ăn được tiêu thì không nêm cũng được.

Thịt lợn sau khi xay thì bạn cho nước mắm, dầu ăn, muối, bột nêm và tiêu vào trộn đều. Tiếp đến bạn cho thêm 2/3 lượng nước cần thiết vào âu thịt và nhào đều tay. Nước ngoài việc giúp gia vị tan đều thì còn khiến giò sống có độ mềm nhuyễn nữa đấy.

Sau khi ướp thịt thì bạn cho thịt lợn vào ngăn đá tầm 1-2 tiếng, để thịt hơi đông lại, khi xay sẽ dễ dàng hơn. Bạn cũng nên để âu và phần răng cưa của máy xay trong tủ lạnh. Làm như vậy sẽ giúp thịt không bi nóng lên trong quá trình xay, làm chết giò.

Hai tiếng sau, khi thịt hơi đông lại, bạn lấy ra cho vào máy xay quết ở mức nhẹ nhất tầm 2-3 phút cho thịt tơi ra. Kế đến bạn cho 1/3 lượng nước còn lại vào khuấy đều cùng bột nở và bột khoai (hoặc bột bắp) đã chuẩn bị rồi cho từ từ vào phần thịt đang quết.

Khi thịt bắt đầu hơi nát thì bạn tăng mức độ của máy xay lên mạnh hơn và đánh đến khi thịt nhuyễn mịn thành giò.

Giò đạt chuẩn sẽ có màu hồng nhạt, quyện thành một khối dẻo dai và mịn. Ngoài việc làm chả cốm thì bạn có thể vo viên giò sống để nấu canh, nấu bún, v.v. Thế nên nếu làm nhiều, bạn có thể chia vào các túi nhỏ hoặc hộp có nắp đậy kín trữ lạnh để ăn dần nha.

Bảo quản chả cốm

Bạn có thể bảo quản chả cốm đã chiên trong tủ lạnh 2-3 ngày hoặc trong tủ đá trong 1-2 tuần. Tuy nhiên để tránh phải chiên chả lại nhiều lần làm mất mùi vị, bạn nên bảo quản chả cốm sau khi hấp.

Chả cốm hấp trữ đông trong ngăn đá có thể sử dụng trong vòng 1 tháng.

Bạn có thể làm nhiều một chút rồi cho chả cốm đã hấp vào túi hoặc hộp kín rồi để ngăn đá trữ đông. Lúc nào muốn ăn, bạn lấy ra phần vừa đủ bữa mang đi chiên, như thế thì mùi vị chả cốm của chúng mình lúc nào cũng được tươi mới và thơm ngon.

Cách Làm Chả Cốm – Chuyện bên lề

“Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam” – đó là những dòng Thạch Lam đã viết về cốm trong Hà Nội băm sáu phố phường.

Có những món ăn, những thức quà gắn liền với một vùng đất nào đó mà dẫu cho nó có trở nên phổ biến khắp muôn nơi thì khi nhắc về người ta vẫn chỉ nghĩ đến địa danh gắn liền với nó.

Như khi nói đến đặc sản của mùa thu Hà Nội thì ai ai cũng sẽ nghĩ đến hương hoa sữa và vị cốm Làng Vòng. Tiết trời thu se se, dậy hương cốm mới, món quà bình dị thanh tao theo chân các cô bán hàng rong ruổi vòng vèo khắp phố phường Hà Nội. Đó là nét riêng rất quyến rũ chỉ thuộc về mùa thu của xứ Hà Thành, khiến người đi xa bao nhớ, khách lữ hành thì vấn vương.

Làng Vòng là làng ven đô xưa, nay thuộc quận Cầu Giấy – Hà Nội, nổi tiếng khắp nơi nơi với nghề làm cốm. Chả biết nghề làm cốm có từ bao giờ, chỉ nghe người già kể lại rằng xưa kia có năm nước lũ lên cao, nước ngập đồng. Dân làng tiếc nên gặt nếp sớm, về rang rồi giã ăn đỡ cho qua mùa lụt. Nào ai ngờ sản phẩm bất đắc dĩ ấy rồi đây lại trở thành thức quà đặc sản thủ đô.

Dần dà cứ thế, hạt cốm ngày càng xanh càng mỏng càng dẻo. Cốm loanh quanh từ làng Vòng Tiền, Vòng Trung, Vòng Hậu, Vòng Sở rồi len lỏi vào từng con ngõ trên phố thị.

Chả phải ngẫu nhiên mà cốm Làng Vòng nức tiếng. Để có được nắm cốm gói lá sen làm quà là cả một công đoạn rất cầu kỳ tỉ mỉ của người làm cốm.

Nếp non làm cốm phải là nếp đương làm đòng trổ sữa. Nếp gặt về, nhà kỹ còn phải tuốt để hạt nếp không bị dập. Rồi nào là sảy là sàng, rang chấy, giã dẹt. Bao nhiêu công đoạn đều được làm thủ công tỉ mẩn.

Cốm làng Vòng chính cống làm ra thường được gói bằng 2 lớp lá. Lớp đầu tiên người ta gói bằng lá ráy để cốm không bị khô và giữ được lâu. Lớp lá sen gói áo bên ngoài thì ướp thêm hương cho cốm. Lạt mềm buộc cốm cũng tận dụng luôn thân cây lúa 🌾, buộc vuông góc với nhau tạo nên món quà bình dị nhưng đầy tinh tế.

Chuyện mua cốm ăn cốm cũng lắm cái để nói. Trong tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam đã viết rất kỹ.

“ Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ… Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve.”

Chất thanh lịch kín đáo của người Tràng An ẩn trong cái thú ăn thú chơi tinh tế như thế đấy. Bảo sao người đi xa không thương không nhớ da diết xứ này.

Vậy là chúng mình không chỉ biết thêm cách làm chả cốm ngon hết sẩy mà cả câu chuyện của cốm nữa. Không chỉ chả cốm, món quà thân thương mỗi độ thu về này còn được sử dụng làm chè, làm kem 🍧 rất ngon nữa.

Bạn hãy thường xuyên theo dõi Thật Là Ngon để bỏ túi thêm những công thức nấu ăn vừa đơn giản dễ làm lại siêu siêu ngon nghẻ để làm phong phú thực đơn nhà mình nha!!!

*Ảnh nguồn Internet.